Bao Bì Dùng Một Lần

tin tức

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHỰA: CẦN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

(15-12-2015 02:12 PM) - Lượt xem: 2385

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHỰA: CẦN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHỰA:

CẦN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện, yêu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu… vẫn là những thách thức lớn của ngành công nghiệp nhựa.

 Trong những năm qua, ngành công nghiệp nhựa vẫn giữ được mức tăng trưởng đều ở cả thị trường nội địa và xuất  khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2014, toàn ngành đạt doanh thu hơn 9 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, ngành nhựa đạt doanh thu 4,2 tỷ USD, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Ngành công nghiệp nhựa cần được ưu tiên vay vốn để đổi mới công nghệ, chủ động hơn về nguồn nguyên liệu

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển ngành công nghiệp nhựa vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nguyên liệu sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu với các sản phẩm chủ yếu gồm nhựa PVC, PET, PP. 70% nguyên phụ liệu còn lại của ngành đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, giá thành sản xuất luôn bị biến động theo giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào từ thế giới và biến động của tỷ giá ngoại tệ. Ngoài ra, ngành công nghiệp nhựa cũng đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt trong khu vực ASEAN khi hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ.

 

Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã bước sang trình độ sản xuất mới. Đơn cử như Thái Lan đã đón đầu xu hướng tiêu dùng của thế giới bằng cách hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường. Hay ngành nhựa của Malaysia là nhà cung cấp hàng đầu màng kéo nhựa polyetylen của khu vực châu Á Thái Bình Dương…

 Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện có tới hơn 80% doanh nghiêp (DN) ngành nhựa có quy mô vừa và nhỏ, vốn, công nghệ của các DN khá hạn chế. Ngành nhựa trong nước cũng chưa có các cơ sở nghiên cứu, phát minh về công nghệ và kỹ thuật nên chưa sản xuất được các chi tiết cao cấp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

 "Bên cạnh đó, điểm yếu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam là công nghệ sản xuất lạc hậu. Do sản phẩm của Việt Nam đứng ở phân khúc thấp nên các DN ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ hiện đại. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường" - TS. Đinh Thế Hiển,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng TP.Hồ Chí Minh nhận định.

 Các DN ngành nhựa cho rằng, nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất là rất lớn, do đó rất cần có giải pháp tài chính hiệu quả, đáp ứng  nhu cầu thiết thực về vốn để mở rộng sản xuất, chủ động về nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, Chính phủ và các ngành quản lý liên quan cần cung cấp thông tin nhanh về thay đổi tỷ giá, chính sách thuế… để các DN ngành nhựa có phương hướng hành động kịp thời trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Ông Quách Thế Phong - Giám đốc tư vấn Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos nhấn mạnh, để cạnh tranh tốt, ngành nhựa cần tăng cường tự động hóa, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, quy hoạch cụ thể cho từng bước phát triển, phù hợp với thị trường. Ngoài ra, các DN phải chủ động nghiên cứu thị trường, tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác trong chuỗi cung ứng  trong và ngoài nước để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tận dụng ưu đãi về thuế… 

 

Thanh Thanh- Báo Công Thương 09/2015

Bao Bì Dùng Một Lần